[Giới thiệu sách] - Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh

Ngày đăng: 15/01/2019 - 10:38

“Không cần làm nhà vô địch – chỉ cần làm điều con thích”

Đã bao giờ bạn có một mãnh liệt muốn quay trở về tuổi thơ, sống cùng những hồi ức trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ của thời con nít để rồi phải thốt lên rằng: "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ".
 
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh viết trong lời tựa đề của cuốn sách: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ con”. Tuổi thơ là nơi ta được cười, được khóc được vui đùa một cách thoải mái không phải "đeo lên mặt những lớp mặt nạ" để đối đãi với nhau, để ngụy trang như cách mà người lớn thường hay phải làm.Và ở đó chúng ta cũng đã từng có những khoảnh khắc muốn thay đổi cả trật tự của thế giới như cu Mùi, Tí Sún, Tủn và Hải Cò.

Với lời văn trong sáng, đầy chân thật, dễ đọc chúng ta được nhà văn dẫn tới một thế giới đầy hài hước, vui nhộn nhưng cũng có chút gì đó ngậm ngùi trong lòng mỗi người. Mở đầu những trang văn đầu tiên của cuốn truyện chúng ta không khỏi bật cười với lời nói đầy “cụ non” của cu Mùi: “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi…” Lời nói đầy dễ thương có gì đó hơi già trước tuổi của cậu bé gieo vào lòng người đọc rằng khi mỗi chúng ta cảm nhận được nỗi buồn là lúc ta đang lớn dần hiểu được cuộc sống đang “lặp đi lặp lại”, ta biết được ngày mai sẽ làm gì, mọi việc diễn ra như thế nào? Nhưng nếu người lớn phần nào đó chấp nhận cuộc sống như vậy và dần quên những kí ức đẹp đẽ của thủa nhỏ thì bọn trẻ gồm cu Mùi, Tủn, Tí sún, và Hải cò đã dám đứng lên chống lại không cho phép mình sống “lặp lại” và buồn chán. Tất cả đám trẻ đó tiến lên làm một “cuộc cách mạng” mà người lớn hay gọi vui là “diễn trò con nít”.
 
Chúng ta như bị cuốn vào thế giới trong veo với những lời nói ngây ngô, với từng hành động đáng yêu của cu Mùi, Tủn, Tú sún và Hải Cò. Chúng lập ra một gia đình kiểu mới, đặt lại tên gọi cho các đồ đạc quen thuộc, truy tìm kho báu trong khu vườn quen thuộc. Có những lúc tưởng chừng như phần thắng đã nghiêng về đám trẻ nhưng theo một "áp chế về trật tự xã hội" mà người lớn đặt ra chúng thường te tua sau mỗi một cuộc “vùng dậy” tạo nên các tình huống dở khóc dở cười. Nhưng dường như bố mẹ càng cố để quy định cho con cái và bắt chúng phải nghe theo mình thì lũ trẻ trong truyện càng không chấp nhận, và hình như họ đã quên đi một điều quan trọng là đối thoại với con. Vì vậy đoạn gần cuối câu chuyện làm “cách mạng” của bọn trẻ là chúng đã lập ra một “phiên tòa” để đối thoại và đối chất chính với bố mẹ chúng. Câu nói sâu sắc nhất của cô bé Tủn đã gợi ra bao nhiêu suy ngẫm cho người đọc đó là : “Con nói mẹ không tôn trọng con chứ đâu có nói mẹ không thương con…/Thương là khác. Còn tôn trọng là khác”. Câu chuyện không chỉ dành riêng cho những người lớn mà còn là cho mọi bậc làm cha mẹ hãy ngừng một phút giây nào đó để lắng nghe tiếng trẻ thơ. Đôi khi đừng vô tình tạo nên những kí ức buồn trong lòng con trẻ và ngụy biện đó là vì yêu và thương con.

Gấp lại trang cuối, tác giả đã cho người đọc thấy chuyến tàu của tuổi thơ sẽ chẳng trở lại nếu mỗi chúng ta cứ vô tình để cuộc sống đầy ước mơ và ngây thơ đó trôi vào quên lãng. Hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc mà cuộc đời đã ban cho ta. Và đừng bao giờ gây áp lực lên những đứa trẻ bởi cho chúng làm điều mình thích, thực hiện những ước mơ của mình chính là hành trình để trẻ nhỏ trở thành nhà vô địch trong lòng chúng rồi….
 
Với cuộc sống tấp nập và nhộn nhịp ngày nay, đôi khi ta đã bỏ lỡ quá nhiều thứ. Hãy đọc và tự hoà mình vào nhân vật để sống, để cảm nhận một cách sâu sắc nhất và để thấy trong tâm hồn mình cũng sẽ tìm được một cảm giác bình yên đến lạ từ sâu tận đáy lòng. Chuyến tàu tuổi thơ đã đi rất xa cứ khiến lòng ta càng thêm vương vấn, nuối tiếc để rồi, khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống bất chợt ta lớn lên và nhận ra khoảng thời gian ngây ngô đó đã qua đi rất nhanh. Khi ngoảnh đầu nhìn lại ta đã đứng ở ngã ba đường của cuộc đời và thầm ước muốn được trở về tuổi thơ một lần nữa để được nằm gọn trong vòng tay của mẹ, được ngây dại thêm một lần nữa.
 
"Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà
Đến ga, xếp hang mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm.
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ khe khẽ đáp:
- Hôm nay vé hết !
Biết làm sao ! Hết vé, biết làm sao !
Đường tới tuổi thơ còn biết hỏi nơi nào?"
 
Bùi Phương Thúy
 

Tin nổi bật

Hội thảo chuyên đề: Kỳ thi Đánh giá tư duy - Đại học Bách khoa Hà Nội và...

Chiều ngày 14/12, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu tổ chức Hội thảo chuyên đề về kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) của...

Hợp tác, trao đổi giáo dục quốc tế cùng Trường Đại học Regina, Canada

Tuần qua, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu vinh dự tiếp đón đoàn đại biểu đến từ Trường Đại học Regina, Canada trong...

Hội diễn văn học chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sân khấu hội diễn văn học Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Tạ Quang Bửu gây “sốt” với nhiều tiết mục ấn...

Thông báo kế hoạch nghỉ ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu thông báo tới Quý phụ huynh, học sinh kế hoạch...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2024

Năm 2024 đánh dấu mốc son quan trọng cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ...

Our Facebook Page

Đại học Bách khoa Hà Nội Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội