Giới thiệu Trung tâm FabLab Bách Khoa - Tạ Quang Bửu
Trung tâm FabLab Bách Khoa – Tạ Quang Bửu được thành lập vào tháng 5/2017, với tư cách là một đơn vị trực thuộc trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và là một thành viên của FabLab Toàn cầu.
Trung tâm FabLab Bách Khoa – Tạ Quang Bửu được thành lập vào tháng 5/2017, là một đơn vị trực thuộc trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đăng ký là một thành viên của FabLab Toàn cầu.
FabLab ban đầu là một dự án mở rộng từ Trung tâm CBA (Center for Bits and Atoms) của Học viện Công nghệ Masschussettes (MIT), là một xưởng chế tạo quy mô nhỏ phục vụ cho việc chế tạo bằng kỹ thuật số của cá nhân. FabLab là nơi cung cấp các phương tiện, phục vụ cho những người yêu thích, đam mê sáng chế thực nghiệm, khám phá và đổi mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học... từ đó góp phần thể hiện cá tính và năng lực khoa học của mỗi cá nhân; cũng là nơi để mọi người gặp gỡ, chia sẻ kiến thức và cùng nhau trao đổi về các dự án, các vấn đề khoa học.
Mô hình FabLab Bách Khoa là một mô hình phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn của trường ĐHBKHN với đầy đủ tiêu chuẩn của FabLab toàn cầu như: Không gian sáng tạo, các công cụ, kỹ thuật mới, tự làm các sản phẩm từ ý tưởng cá nhân (DIY – Do It Yourself). Hội đồng cố vấn của mô hình này gồm có: Đội ngũ chuyên gia trường ĐHBKHN, các trường ĐH, các viện nghiên cứu, các chuyên gia có chứng chỉ quốc tế chuyên sâu về CNTT như Cisco, Microsoft… Đây cũng là cơ sở để trung tâm phát triển bền vững. Với mong muốn cung cấp một nền tảng kĩ thuật, các phương tiện hiện đại, trung tâm hứa hẹn sẽ là một địa điểm hấp dẫn để học tập, để được cố vấn, nghiên cứu, sáng tạo khoa học dành cho giáo viên cùng học sinh trong và ngoài trường Tạ Quang Bửu.
Đội ngũ giáo viên FABLAB là những thầy cô giáo trẻ, luôn đổi mới cập nhật kiến thức chuyên môn, cách giảng dạy theo thời đại công nghệ số. Năm học 2022 - 2023, Nhà trường vinh dự có 91% giáo viên FABLAB được công nhận là chuyên gia giáo dục đổi mới sáng tạo (MIE Expert) của Microsoft. Chương trình Chuyên gia giáo dục sáng tạo (MIE Expert) được tổ chức trên toàn cầu là một cộng đồng các nhà giáo dục tự định hướng, những người đam mê tích hợp công nghệ Microsoft vào giảng dạy và học tập, những người truyền cảm hứng cho người học với tư duy sáng tạo và thích hợp tác làm việc.
Các hoạt động chính của trung tâm góp phần cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản về khoa học, gắn liền với thực tiễn đời sống, từ đó tạo tiền đề cho việc hiện thực hoá ước mơ sáng tạo, chế tạo sản phẩm của học sinh Tạ Quang Bửu. Các bạn học sinh Tạ Quang Bửu sẽ được làm quen và học tập với những tiết học STEM ngay từ khi học lớp 6: tiết dạy học qua dự án, chủ đề, học qua trò chơi và đặc biệt là qua thực hành. Ngay từ khi thành lập, trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu đã có nhiều hoạt động STEM hóa trong giáo dục: tổ chức giảng dạy tiết học Khám phá khoa học của khối THCS, đưa giáo viên tham gia đợt tập huấn của Hội đồng Anh vào tháng 8/2016, tham gia ngày hội STEM thường niên, thường xuyên tổ chức những cuộc thi nghiên cứu khoa học cho học sinh các khối,…
Khi tham gia các tiết học STEM cũng như các hoạt động của trung tâm FabLab Bách Khoa – Tạ Quang Bửu, các bạn học sinh sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng khoa học: kỹ năng sử dụng các thiết bị (máy in 3D, máy cắt laser, máy hàn, máy khoan…); kỹ năng lập trình
Scratch, Python…; những kiến thức cơ bản về điện tử, tự động hóa (smart home, robot…)… và được học cũng như thực hành tại các phòng thí nghiệm của trường ĐHBKHN. Hơn nữa, đây còn là một môi trường tốt để các bạn học sinh rèn luyện kĩ năng, cũng như có thái độ cần thiết của một công dân thời đại công nghiệp 4.0 như:
►Kĩ năng:
- Kĩ năng đọc sách, tìm hiểu thông tin.
- Kĩ năng nghiên cứu khoa học: Đặt câu hỏi, đặt giả thuyết, xây dựng thí nghiệm kiểm tra giả thuyết, tiến hành thí nghiệm, phân tích kết quả, kết luận, rút ra kiến thức khoa học, đề ra bước tiếp theo.
- Các kĩ năng mềm: kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, trình bày, giải quyết các xung đột...
►Thái độ:
- Học sinh có niềm vui trong học tập, khám phá khoa học.
- Học sinh có niềm tin về khoa học và khả năng khám phá tự nhiên.
- Học sinh có sự tự tin về năng lực của bản thân.
►►Trong những năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh STEM hóa toàn diện các cấp học với phương châm: Học đi đôi với Thực hành, Học thông qua làm Dự án có ý nghĩa cũng như tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn nữa trung tâm Fablab Bách Khoa- Tạ Quang Bửu.
Với những hoạt động tích cực về khoa học, trung tâm hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và lan tỏa của toàn bộ giáo viên các cấp học, bậc học cũng như toàn thể học sinh trong và ngoài trường.