Người "thắp lửa" cho môn học STEM
Công tác tại trường ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cô giáo Lê Vân Anh, Thạc sĩ bộ môn Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là Giám đốc Trung tâm Fablab của Trường Tạ Quang Bửu, chính là người nhen lên ngọn lửa đam mê STEM cho giáo viên và học sinh của nhà trường.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về việc áp dụng STEM trong giảng dạy và học tập tại Trường Tạ Quang Bửu, Ban truyền thông đã có cuộc phỏng vấn cùng cô giáo Lê Vân Anh.
Cô giáo Lê Vân Anh (thứ ba từ phải sang) là “thần tượng” của nhiều học sinh yêu thích STEM
PV: Chào cô Lê Vân Anh, có thể nói năm 2018 là năm đầu tiên mà các cụm từ như STEM hay 4.0 được nhắc tới nhiều như một “hot trend”, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, nhưng dường như vẫn còn nhiều người cảm thấy mơ hồ. Cô có thể giải đáp rõ hơn về khái niệm này?
STEM là từ viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). STEM không phải là một môn học mà là một quá trình học tập và trải nghiệm, bám sát với lượng kiến thức Toán, Khoa học của học sinh để học sinh có thể lĩnh hội kiến thức và từ đó tạo ra sản phẩm mới. Học theo định hướng STEM là học theo thông qua làm dự án, học thông qua trải nghiệm.
Cách mạng 4.0 là cụm từ nói về sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong cuộc cách mạng 4.0, người ta phát triển mạnh mẽ tự động hóa, IoTs, trí tuệ nhân tạo. Trong giáo dục, nói đến cách mạng 4.0, có thể đề cập tới hai vấn đề: Thứ nhất, dạy học ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Thứ hai, dạy học sinh những kĩ năng để sử dụng và phát triển ứng dụng của công nghệ 4.0.
HS Tạ Quang Bửu tại một xưởng thực hành của Đại học Bách Khoa Hà Nội
PV: Xuất thân là một giáo viên Hóa học, cơ duyên nào đã đưa cô tới với STEM và đam mê lĩnh vực này?
Dạy học khoa học tự nhiên nói chung và dạy hóa học nói riêng, tôi thường gặp những HS không thích học vì không hiểu học môn này để làm gì. Khi được tiếp cận với dạy học định hướng STEM, tôi thấy đây là một phương pháp hiệu quả hướng đến ứng dụng kiến thức sách giáo khoa vào thực tiễn đời sống. Một bài học STEM không nhằm mục tiêu về kiến thức mà hướng đến giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, hướng đến ứng dụng của kiến thức. Khi học sinh học theo phương pháp này, các em nhìn thấy mục tiêu của việc học và thấy được ý nghĩa của các kiến thức khoa học, từ đó trở nên yêu thích các môn khoa học. Thông qua phương pháp này, học sinh cũng tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, theo yêu cầu của sản phẩm đẩu ra. VD: Học sinh được yêu cầu làm thuyền. Các em sẽ tự nghĩ xem làm thuyền thì phải cần những gì? Những yếu tố nào giúp thuyền nổi? Những yếu tố nào giúp thuyền di chuyển? Cần tìm kiến thức gì, ở đâu để giải quyết vấn đề này?...
Nhận thức được những lợi ích của việc đưa STEM vào bài dạy và đặc biệt là thấy được sự hứng thú của HS, tôi muốn gắn bó và phát triển hơn nữa việc đưa STEM vào lớp học.
Cô giáo Vân Anh trong Ngày hội STEM tại Hà Giang
PV: Tại Trường Tạ Quang Bửu, STEM đã được đưa vào giảng dạy và học tập như thế nào?
Tại trường TQB, STEM được đưa vào dưới nhiều hình thức khác nhau như:
- Các dự án STEM theo các nội dung học tập theo chương trình phổ thông như: Dự án dạy hoá học mô hình phân tử, dự án làm đèn từ chai Chivas, dự án làm son handmade, dự án làm dầu dừa, dự án dạy mỹ thuật theo chương trình đổi mới…
- Hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai rộng rãi thành phong trào trong toàn học sinh. Hiện tại, phòng Fablab phối hợp cùng các giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang hỗ trợ học sinh triển khai hai đề tài nghiên cứu khoa học tham dự Hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông toàn thành phố Hà Nội (HASEF).
- Khối THCS có tiết Khám phá khoa học (giáo trình “Tập làm nhà phát minh” do Long Minh phát hành) và tiết học IoTs hàng tuần theo chương trình bản quyền của Cisco.
- Hội thảo “Giáo dục theo định hướng STEM” nhằm định hình phương pháp dạy học STEM tới giáo viên toàn trường.
- Thành lập xưởng Fablab vào năm 2017 được thiết kế theo chuẩn quốc tế với nhiều thiết bị hiện đại như máy in 3D,…
HS thực hành làm đèn ngủ sáng tạo từ chai chivas
PV: Trong thời gian tới, xưởng Fablab của nhà trường có những dự định gì trong việc nhân rộng niềm yêu thích khoa học tới các em học sinh?
Việc phát triển giáo dục STEM là định hướng xuyên suốt của Bộ Giáo dục, vì mục tiêu hình thành những phẩm chất năng lực cho HS. Trường Tạ Quang Bửu là một trong những đơn vị đi đầu trong giáo dục STEM. Để đạt được điều đó cần sự lan tỏa đồng bộ trong toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, Xưởng Fablab mong muốn hoàn thiện hơn nữa cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động học tập và nghiên cứu của GV và HS; Xây dựng các chương trình học tập theo định hướng STEM, liên môn trong nhà trường; Tổ chức các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; Tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; tham gia các chương trình Ngày hội STEM tại Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước; và đặc biệt trong thời gian tới sẽ tổ chức một Ngày hội STEM riêng của trường, vinh danh những thành quả cố gắng của Thầy và Trò nhà trường.
Xin cảm ơn cô giáo Lê Vân Anh về những chia sẻ về STEM của cô!
Ban Truyền thông
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC:
- Học sinh trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Thành phố Hà Nội
- Thông báo cuộc thi Lập trình Game "Anti Coronavirus"
- [WORKSHOP] Đào tạo và hướng dẫn học sinh làm báo cáo nghiên cứu khoa học năm học 2019 - 2020
- Đèn ngủ sáng tạo từ chai Chivas
- Giáo dục STEM, cần chuẩn bị cho cách mạng 4.0
- "Ngày hội STEM" - Khoa học gần gũi
- Sôi động ngày hội STEM 2017
- STEM 2017 và Hành trình tương lai
Tin nổi bật
Thông báo kế hoạch nghỉ ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu thông báo tới Quý phụ huynh, học sinh kế hoạch...
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2024
Năm 2024 đánh dấu mốc son quan trọng cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ...
138 triệu đồng cùng Tạ Quang Bửu chung tay ủng hộ đồng bào chịu bão lũ
Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu trực tiếp trao gửi 138 triệu đồng qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tới bà con vùng lũ.
Tạ Quang Bửu trở thành Microsoft Showcase School năm thứ ba liên tiếp!
Năm học 2024-2025, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu tiếp tục được công nhận là Microsoft Showcase School với nhiều...
Học sinh Tạ Quang Bửu trở thành Quý quân Cuộc thi Toán Mô hình toàn quốc năm...
Đội tuyển học sinh Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu chính thức nhận giải Ba (giải Quý quân) tại sân chơi toán học...